Để Là Môn Đệ ĐGS

Thứ bảy 03/09/16 20:57 PM - Lm Uyen Nguyen

Trong sách Thủ lãnh Cựu Ước, câu chuyện về ông Ghit-on khá gây ngạc nhiên Ông này đã ra lệnh phá hủy đền thờ thần Baan. Hành vi này làm vua Madian và các vua lân bang nổi giận. Họ liên kết nhau đưa quân hùng mạnh sang đánh.

để là môn đệ đức giêsuGhit-on tập hợp và điều quân đi đối phó. Đức Chúa phán với ông: “Đám dân ở nơi ngươi quá đông. Ta không trao quân Madian vào tay chúng được”. Vậy ngươi hãy công bố cho dân nghe: “Ai sợ hãi và run khiếp thì hãy về đi. Và Ghit-on đã làm như vậy. Cuối cùng:“Hai mươi ngàn người trong dân rút lui, còn lại mười ngàn”. Đức Chúa lại phán bảo Ghiton đưa số còn lại ra sông uống nước:‘kẻ nào ra sông uống nước dùng miệng tớp như chó, thì hãy giữ lại’. Con số này là ba trăm người. Đức Chúa phán: “Với ba trăm người đó, Ta sẽ cứu các ngươi, sẽ trao quân Madian vào tay ngươi. Còn bao nhiêu, ai sẽ về nhà nấy” (x. Tl.7,1-8). Qua câu chuyện có thể rút ra hai xác tín, TC cần con người cộng tác, như mô hình TC cần Đức Maria cộng tác vào công trình ban ơn cứu độ cho con người. TC đòi con người sẵn lòng cộng tác, trung tín, bền đỗ. Luôn tín thác rằng được cộng tác là một ân huệ theo lòng từ bi của TC, đòi hỏi gắn bó đổi lấy vinh quang Nước Trời.  

Đem câu chuyện trên so với tường thuật Luca, đến giờ này, đoàn người theo ĐGS rất đông. Người, với một cử chỉ đặc trưng, quay lại phán bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Người còn nói: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (cc . 26-27)

ĐGS có tuyển chọn dân chúng như Ghit-on? hay tự Người biết đám đông thường có tâm địa bất ổn, sẽ có những người không thể theo đến nơi đến chốn? Điều này thật rõ, Người biết tâm địa mọi người. Vì, điều như vậy đã xảy ra, khi ở trước những người biệt phái, luật sĩ, Người đã mạnh mẽ nói với đám đông khi trích lại lời ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt.15,8).

Có hai điều ĐGS đòi hỏi các môn đệ đang theo Người: ‘dứt bỏ’, là cách tiết chế tình cảm gia đình và ‘vác thập giá mình’ theo Người. Có thể hình dung đây là những gì mà ĐGS đang đề nghị một lối sống (như đề nghị khi ăn chay, phải trang điểm hồn nhiên tươi tắn, (.Mt.6,16-17) mô phỏng hay còn gọi là sự ‘trang phục’ khác thường dành cho những ai muốn là môn đệ của Người! Lối trang phục để giảm nhẹ sự cồng kềnh trong việc dứt bỏ mọi mối quan hệ gia đình, thoát ly mọi ràng buộc để tự do trở thành là môn đệ. Sợ rằng: ‘Không ai làm tôi hai chủ’ (Lc.16,13). Cũng như người thanh niên bị từ chối khi Người gọi anh theo Người, bởi người thanh niên đã xin: “Xin cho tôi về từ giả cha mẹ tôi trước đã”. Người nói: “kẻ tra tay cầm cày mà ngoáy lại đàng sau, thì không xứng đáng làm môn đệ Tôi” (x.Lc.9,61-62). Hơn thế, lúc ở giữa đám đông dân chúng vây quanh nghe Người giảng, khi có người báo có mẹ và anh em Người tìm Người. Người trả lời: “Ai là mẹ và anh em tôi? nếu không phải là những người đang nghe tôi nói đây” (x.8,19-21)? Chính Người cũng đã trả lời cho Mẹ và Giuse sau khi họ tìm thấy Người trong đền thờ: “Sao cha mẹ lại tìm con, cha nẹ không biết là con phải lo việc ở nhà Cha con sao” (x.Lc.3,49 )? Đây phải chăng là một lối ‘trang phục’ không chỉ ngoại hình trống trải cồng kềnh mà cả nội tâm cũng trở nên thông thoáng tự do thoải mái?

Qua đó, xem ra ĐGS đã phủ bóng mờ những gì mà luật Cựu Ước đã dạy, ở điều răn thứ bốn đòi hỏi: thảo hiếu cha mẹ (x.Xh.20,12). Đối với điều này, xem ra có phải vậy? Công bình mà nói, Người đang trong tư thế phân biệt rõ hai hình đời sống và sinh hoạt ở hai phạm trù: trần thế và Nước Trời. Nếp sống và mọi sinh hoạt trần thế không hẳn giống mọi trạng huống Nước Trời. Chính ĐGS cũng đã nói đến như vậy khi Người nói về việc sống lại, trả lời cho vấn nạn mà hai phái Sadoc và biệt phái đặt ra. Người quả quyết, khi sống lại, thì hình thái sống lại không tái lập mẫu sống của trần gian mà sống lại theo mẫu hiện sống của các thiên thần do TC đã dựng nên. Đời sống đó không còn vợ chồng hay những thứ gì khác (x.Mc.12,24-27). Vậy một nơi mà đời sống không còn vợ chồng thì làm sao còn có tình phụ-mẫu-tử? Lại nữa, lời mạc khải Kinh Thánh, cho dù TC đã tự nói khi dựng nên Adong và trong lúc vui sướng nhìn ngắm sự tốt đẹp đã làm nên, Ngài cảm nhận: “Người nam ở một mình không tốt”! Nên lại dựng nên một người đàn bà trợ tá là Eva và đã trao cho Adong thành bạn đường" (St.2,18). Từ đó có cha có mẹ, gia đình. Dù cha mẹ sinh ra con cái, con cái vẫn là của TC ban cho cha mẹ, và họ là những người cộng tác với TC trong vai trò yêu thương, chăm sóc, giữ gìn thay cho TC ở trần gian thôi. Thế nên, bổn phận đối với tình yêu hôn nhân cũng như tình phụ-mẫu-tử chỉ có ở trần gian, sẽ không tồn tại trong Nước Trời. Chỉ có TC và những người được gọi là công chính cùng với TC trong nước công chính Ngài. Thế nên, tất cả những gì mà Nước Trời đòi hỏi người môn đệ hà tất là ưu việt không thể đem áp dụng cho đời sống trần thế! Và đây cũng là điều ĐGS muốn ám chỉ đến trong lời truyền của Người.    

Còn với lệnh vác ‘thập giá mình theo’ Người, quả thật đây mới là điều chưa thể hiểu ngay tức khắc, vì chính ĐGS trên đường cùng đi với đám đông, cũng đã chưa vác thập giá! Dẫu có biết ĐGS lên Giêrusalem là để vác thập giá, Người đi mà chưa vác đấy? Vậy nếu các môn đệ phải vác thập giá thì vác thập giá mình là gì? vác thế nào?

Thường đám đông được coi là khối xô bồ, tâm lý, ý chí không đồng nhất, thiếu ổn định. Việc vác thập giá mà ĐGS nói với họ, thiết nghĩ Người muốn gieo ý thức vào họ là những kẻ đang theo Người, theo để vác thập giá, sẽ đến lúc, cũng như họ sẽ được nhìn thấy Người vác thập giá lên Golgota! Người có thập giá của Người, đám đông mỗi người có thập giá riêng mình. Liệu họ có tự nguyện đồng cảm đón nhận để vác? Lời ĐGS như thế chỉ mới công bố những đòi hỏi tạo cảm thức nơi mỗi người nếu thực sự muốn hôm nay và mãi mãi sống chết theo Người để là môn đệ! Mà đã là môn đệ, phải là môn đệ chính hiệu: chung việc, chung số phận, như Người tha thiết nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga.15,15). Điều đó có nghĩa là đón nhận thân phận ĐGS là thân phận của chính mình, trong ý hướng của lời Người nói: “Anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn...nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ, tôi tớ không trọng hơn chủ nhà. Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng bắt bớ anh em” (x.Ga,15,18.20). Vác thập giá là một đòi hỏi triệt để, liệu không nói trước, đến lúc nhìn thấy Người vác thập giá thì sẽ ra sao? hay khi họ gặp phải thập giá của chính họ được trao có còn hưng phấn, sẵn lòng vừa theo vừa vác thập giá bên cạnh Người để là môn đệ?

Nhìn lại, để làm người, ĐGS đã vâng lệnh đón nhận ‘trang phục’ mình theo cung cách làm người từ hình thể đến nội tại trong mọi lúc đến cuối đời. Để dẫn con người vào Nước Trời, Người đòi hỏi và chỉ dẫn, đến lược họ, trang phục mình ngay tại thế cung cách sống của những người công chính trong Nước Trời. Phần mỗi người, thành đạt mỹ mãn mong tùy vào ước muốn, sở thích, đón nhận, bền gan thực hiện cùng với mọi hổ trợ khác biết tận dụng nơi bản thân. Hi vọng đây là những gì mà ĐGS đã răn dạy đoàn lũ đông đúc đang theo Người. Những điều như thế không miễn trừ cho tất cả các kitô hữu hôm nay đang theo Người trong ao ước trở nên những môn đệ chân chính.

Lạy CGS, Đấng chiến thắng tội lỗi và quỷ thần. Người biết rõ và đầy cảm thông với sức lực chúng con. Xin giúp chúng con, lúc chán chường, lúc ngã lòng, thời điểm mọi bề tăm tối, còn dẻo dai lấy lại sức đúng lúc vì còn phải tiến lên để ca khen vinh quang TC Ba Ngôi và  được an nghỉ trong Nước Trời, cõi hằng sống và chân thật.

Trở lại Đầu trang

Chia sẻ khác