Thứ hai 27/04/15 13:12 PM

Có lẽ húng ta sẽ chẳng bao giờ “trở thành người” và khôn lớn nếu không được nuôi dưỡng và dạy dỗ từ chính những “con người thực sự”; và họ không là ai khác: những nhà giáo dục đầu tiên của mỗi người chúng ta, chính là cha mẹ mình.

cha mẹ hãy là những nhà giáo dục đáng yêu của chúng con

Ít nhất một lần trong đời ta cảm thấy xấu hổ khi nghe một ai đó nói vào mặt mình là “con nhà vô giáo dục”. Và biết bao nhiêu bậc phụ huynh đã “sôi máu” lên vì nghe thiên hạ nói về con em của mình kiểu như thế. Cha mẹ dù ở tuổi nào đi nữa cũng sẽ cảm thấy buồn khổ vì việc giáo dục con cái. Người xưa khéo trách những ai thiếu trách nhiệm dạy dỗ con cái bằng câu nói khá chua chát: “Nuôi con chẳng dạy chẳng răn. Thà rằng nuôi …lợn cho ăn lấy lòng”.

Sự thật là việc “nuôi con” không dễ và việc “dạy con” càng phức tạp hơn. Nhiều bậc cha mẹ dù đã hết lòng mà con cái vẫn cứ “đi theo đường của chúng”. Người ta lại thốt lên: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”! Nghĩ cho cùng thì chuyện “trời sinh tính” ở đây cũng là lý do: Con cái dù chỉ bằng hạt cát trong lòng mẹ hay là một anh đẹp trai, một cô xinh gái, một tay ma cô hoặc một kẻ ngây ngô khờ khạo… tất cả đều là những “con người”, những “nhân vị” độc đáo, có phẩm giá đáng được tôn trọng, cần được yêu thương, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho xứng với phận làm người. Tuy vậy nhiều khi trách nhiệm này quá nặng nề và vất vả, đã khiến cho nhiều người ngày nay lo sợ hơn. Giữa thế giới ngày một văn minh hiện đại và sung túc, nhiều người có suy nghĩ rằng: con cái là “nguyên nhân” gây tốn phí thời gian, tiền của, sức lực…cho mình. Vậy nếu phải lập gia đình thì tốt nhất là đừng nên có con (!) Và tiếc thay từ đó người ta lại đi…nuôi “chó kiểng” vì chúng ngoan ngoãn và dễ bảo; dù rằng khoản chi phí tốn kém cũng na ná như nuôi con, nhưng khoản trách nhiệm thì nhẹ nhàng hơn nhiều, ngoài việc đăng ký với Sở Thú Y và việc giữ cho chúng nó đừng sủa nhặng xị làm phiền hàng xóm(!)

Nơi các gia đình công giáo, các em nhỏ hay hát rằng:“Xin cảm tạ Cha, xin cảm ơn Trời đã ban cho đời con có mẹ cha…”. Có lẽ các em cảm thấy may mắn được sinh ra trên đời, trong một gia đình, có người lo chăm sóc nuôi dưỡng. Nghe các em nhỏ hát, nhiều bậc cha mẹ đã rưng rưng nước mắt. Có lẽ họ cảm thấy hơn ai hết “sứ mệnh” của mình: “Ba sẽ là cánh chim, đưa con bay thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực…” Tất cả những điều mà người ta cảm nghiệm trong hạnh phúc như thế không tự nhiên mà có được; thứ hạnh phúc có thể phải được gầy dựng từng ngày trong gia đình bằng tình yêu thương, lòng kiên nhẫn, sự tha thứ, sự tôn trọng, thái độ sống có trách nhiệm…hơn là bằng toan tính thiệt hơn nơi hạnh phúc thiên về cá nhân và lợi lộc vật chất.

Đến đây sẽ có người lên tiếng rằng “Nhưng mà đời sống khó khăn lắm, vì con cái, vì gia đình, vì xã hội, vì …vân vân và vân vân…” Trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể nhìn ra những khó khăn trước mắt và lâu dài. Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng không phải vì có khó khăn mà mọi sự trở nên “không thể thực hiện được”. Quan trọng là, nói như nhà tâm lý Viktor Frankl, “có một lý do để sống”: Ai có một lý do để sống, người đó có thể vượt qua mọi thứ trở ngại. Trong nhãn quan kitô giáo, “lý do để sống” chính là ơn gọi của mỗi người, như câu giáo lý thuở nào: Ta sống ở đời này để nhận biết, yêu mến và thờ phượng Chúa cùng thương yêu mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp và cùng hướng đến hạnh phúc đời sau. Lý do để sống bậc hôn nhân như một ơn gọi là vì: cảm nghiệm mình được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong tình yêu thương đặc biệt với một người bạn đời, để tiếp tục duy trì và phát triển sự sống và vì sự sống còn của nhân loại. Và như thế ta có thể nói rằng: tương lai cả thế giới này phụ thuộc vào những đứa trẻ đang nằm trong vành nôi đung đưa dưới những mái nhà đơn sơ, hơn là vào những chú cún con dễ thương cùng các đôi uyên ương tung tăng trên phố rộng, hoặc những con mèo được vuốt ve âu yếm từ bàn tay những chủ nhân sang trọng, đỏnh đảnh và cô đơn trong những căn hộ đắt tiền.

Trở lại với đời thường cùng những gia cảnh “chạy miếng ăn từng bữa”, với đôi vai gầy tần tảo mưa nắng của mẹ và với đôi bàn chân trần đầy bụi bặm sương gió của cha, chúng ta khó mà quên được những lao nhọc của bậc làm cha mẹ. Ngoài trách nhiệm mang ra ánh sáng những sinh linh bé bỏng, họ còn phải lo làm sao để cho chúng “nên người”. Chúng ta có thể hình dung ra mức độ vất vả ra sao với bậc phụ huynh, vì lý do nào đó, chỉ có một thân một mình lo cho con cái. Người ta có thể dễ dàng hiểu được sự khác biệt giữa những giọt nước mắt của người mẹ nghèo buôn thúng bán bưng nghe tin con thi đậu Đại học và của người mẹ giàu có sang trọng biết rằng con mình bị bắt vào trại giam vì “dính” ma túy. Có lẽ chẳng có một thứ phí tổn nào có thể mua được niềm vui hay trả giá cho nỗi đau mà các bậc cha mẹ đã nhận được trong những trường hợp trên. Có chăng người ta cần nói nhiều hơn đến “sự đền ơn – báo hiếu” của con cái với cha mẹ mình qua thái độ sống đúng và có trách nhiệm với người khác nhờ giáo dục tốt. Người ta có thể “xem quả biết cây” vậy.

Một điều cũng thật dễ hiểu và cũng dễ chấp nhận cho các bậc cha mẹ nếu như họ có những phút cáu giận, bực tức, khó chịu với con cái. Người ta chứ có phải thánh thần đâu! Nhưng người phàm cũng có thể trở thành thánh nhân từ những cống hiến trổi vượt và nhân đức tuyệt vời. Sự hy sinh vất vả của cha mẹ có thể là lý do chính đáng để họ được “tuyên dương”, nhưng thử hỏi có mấy bậc phụ huynh đấu tranh đòi cho được cái “quyền được tuyên dương công trạng vì đã làm tròn bổn phận với con cái”? Đó là “thiên chức” và không ai có thể thay thế vai trò và trách nhiệm thiêng liêng của các bậc cha mẹ trong gia đình.

Nhiều bậc cha mẹ than rằng cuộc sống ngày càng văn minh, nhưng xem ra càng khó khăn hơn để dạy dỗ con cái nên người. Câu chuyện về giáo dục đã làm hao tốn bao nhiêu giấy mực và công khó của các nhà nghiên cứu. Trách nhiệm thuộc về ai trong việc giáo dục các thế hệ tương lai? Câu trả lời có thể dành cho một nhóm, một cộng đồng hay cho cả thế giới, trong hoàn cảnh và văn hóa riêng biệt. Nói là “không ai có thể thay thế vai trò và trách nhiệm thiêng liêng của các bậc cha mẹ”, chúng ta không muốn đổ dồn tất cả mọi sự cho các bậc làm cha mẹ và bỏ qua trách nhiệm của những người khác trong xã hội. Có một điều mà người ta không thể bỏ qua: Gia đình, cái nôi của sự sống và là “phòng đào tạo” cho một con người bước vào cuộc đời. Ngành tâm lý sư phạm qua nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy rằng gia đình luôn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và nhân cách của từng cá nhân con người, vì đã tạo ra những ảnh hưởng và ấn tượng đầu tiên về các giá trị đạo đức tinh thần, lương tâm, sự thích nghi qua các mối tương quan nhân vị, sự lựa chọn các giá trị và hành động theo các chuẩn mực phù hợp với đạo đức và văn hóa … mà một cá nhân có thể mang theo suốt cuộc đời. Tuy tiến trình hội nhập vào xã hội còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa của văn hóa cộng đồng, của mục tiêu và cách thức đào luyện con người, nhưng xét cho cùng, nếu không có nền tảng căn bản đạo đức nào đó từ trong gia đình, một cá nhân sẽ gặp phải nhiều trở ngại hơn để vui sống trong đời, nhất là trong lối sống suy vật chất ngày nay.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã viết: «Dù phải đương đầu với những khó khăn, mà ngày nay lại thường là những khó khăn to lớn trong trách nhiệm giáo dục con cái, bậc cha mẹ cần phải tin tưởng và can đảm giáo dục con cái họ theo những giá trị chính yếu của đời người. Trẻ em phải lớn lên trong một sự tự do chân chính trước các của cải vật chất, biết chọn một nếp sống giản dị và khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: “giá trị của con người là do cái mình là, hơn là do cái mình có”» (Tông thư về gia đình Familiaris Consortio, số 37).

Nếu nói như Thánh Irene:“Vinh quang của Thiên Chúa chính là con người đang sống”, thì mọi người có thể suy nghĩ rằng: hạnh phúc của cha mẹ sẽ là việc “nên người” và sự khôn lớn của con cái. Công lao của cha mẹ nào ai dám quên. Cha mẹ ơi, xin hãy luôn là những nhà giáo dục thân yêu trong đời của chúng con!

Lê An Phong, SDB

Trở lại Đầu trang

Góc thảo luận khác