Thứ tư 14/05/14 10:47 AM

Thưa cha, khi một cặp nam nữ công giáo đã quyết định lấy nhau hoặc đã làm hôn thú dân sự, nhưng vì một lý do nào đó mà họ chưa làm phép cưới theo nghi thức Công Giáo ở nhà thờ thì họ có được ăn ở với nhau như vợ chồng không?

Nếu họ ăn ở với nhau thì có tội không?

Đáp: 

Giáo huấn của Giáo Hội và Giáo luật

Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin trưng dẫn một vài nguyên tắc và giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Trong Tông Huấn Familiaris Consortio về các nghĩa vụ của đời sống gia đình Kitô (được ĐTC Gioan Phaolô II công bố năm 1981, đúc kết thành quả của Thượng HĐGM năm 1980), đọan số 82, ĐTC có đề cập đến vấn đề này như sau:

“Trường hợp những người công giáo, vì những nguyên do ý thức hệ hay vì những lý do thực tiễn, muốn lập hôn phối dân sự, mà từ chối việc cử hành hôn phối tôn giáo, hoặc dời việc cử hành này lại sau, càng ngày càng trở nên nhiều. Không thể coi tình cảnh của họ cũng y như tình cảnh của những người chung sống mà không có một ràng buộc nào, vì ở đây cũng có một sự dấn thân nào đó vào một tình trạng sống nhất định và có lẽ cũng bền vững, cho dù viễn tượng ly dị là một chuyện không xa lạ lắm với loại quyết định này. Khi muốn việc liên kết của mình được sự nhìn nhận công khai của nhà nước, các đôi bạn này đã cho thấy rằng họ sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ cũng như những quyền lợi của sự liên kết ấy. Dù vậy, Giáo Hội vẫn không thể chấp nhận tình trạng ấy”.

“Hoạt động mục vụ nhằm giúp cho người ta chấp nhận rằng: nhất thiết phải có sự đi đôi giữa sự chọn lựa đời sống và đức tin họ tuyên xưng. Mục vụ cũng phải cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để đưa người ấy tới chỗ hợp thức hóa tình cảnh của họ theo các nguyên tắc Kitô giáo. Mặc dù vẫn đầy tình bác ái lớn lao đối với họ và muốn đưa họ về tham dự cuộc sống các cộng đoàn, nhưng dầu vậy các chủ chăn trong Giáo Hội vẫn không thể chấp nhận cho họ xưng tội rước lễ.” ( FC 82 )

Đối với hai người đã được chịu phép Rửa Tội, đặc biệt là hai tín hữu công giáo, không thể có hôn phối mà không đồng thời lại không là bí tích. Giáo luật số 1055 xác định rằng:

“1. Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc hiệp thông trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép Rửa Tội lên hàng bí tích.

2. Bởi vậy giữa những người đã được chịu phép Rửa Tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích.”

Về sự giao hợp phái tính

Về sự giao hợp phái tính hay ăn ở với nhau như vợ chồng, Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong Tuyên Ngôn Persona Humana ngày 29.12.1975, ở đọan số 7 khẳng định rằng:

“Nhiều người ngày nay đòi quyền được giao hợp phái tính trước hôn nhân khi họ quyết định lấy nhau, và cho rằng: một điều tự nhiên là tình yêu vợ chồng trong tâm lý của hai người đòi phải có sự hoàn hợp như thế. Họ cũng nói rằng sự giao hợp phái tính là điều cần thiết nhất khi việc cử hành hôn phối bị cản trở vì những hoàn cảnh bên ngoài hoặc để bảo tồn tình yêu.”

“Những ý kiến trên đây là điều trái ngược với đạo lý Kitô giáo, theo đó mọi hành vi giao hợp vợ chồng của con người phải được diễn ra trong khuôn khổ hôn nhân. Thật vậy, dù những người dấn thân trong những quan hệ tính dục trước hôn nhân như thế có quyết tâm mạnh mẽ đến đâu đi nữa (về việc quyết định kết hôn với nhau) thì những quan hệ tính dục đó vẫn không bảo đảm – trong sự chân thành và chung thủy – tương quan liên chủ thể giữa một người nam và một người nữ, và nhất là không bảo vệ tương quan đó khỏi những sự thay đổi theo trí tưởng tượng và tính tình hay thay đổi…Sự kết hiệp thân xác chỉ là điều hợp pháp nếu giữa người nam và người nữ có một sự thông hiệp cuộc sống một cách chung kết.”

Áp dụng cụ thể

Áp dụng những giáo huấn chính thức trên đây của Giáo Hội vào trường hợp bạn nêu lên trong câu hỏi: cặp nam nữ công giáo chỉ có thể ăn ở với nhau như vợ chồng thực sự sau khi đã kết hôn theo nghi thức đạo, nghĩa là hôn phối của họ phải là bí tích.

Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy rằng những người công giáo tuy đã làm hôn phối dân sự mà không làm phép cưới đạo mà ăn ở với nhau thì họ không thể chịu các bí tích cho đến khi điều chỉnh tình trạng của họ (xem FC 82).

Người tín hữu công giáo chân chính không thể viện cớ những người khác không tuân giữ luật Giáo Hội để bắt chước theo và coi đó như quy luật sống của mình. Sự tháo thứ của một số tín hữu công giáo ở Tây Phương coi rẻ luật Chúa và Giáo Hội càng không thể là tiêu chuẩn cho tín hữu công giáo Việt Nam hoặc nơi khác bắt chước.

Theo giáo luật, hai tín hữu công giáo chỉ làm hôn thú dân sự với nhau mà thôi thì trước mặt Giáo Hội, hôn thú của họ cẫn không phải là bí tích, và do đó họ không thể ăn ở với nhau như vợ chồng thật sự. Đối với những vợ chồng không công giáo, hôn thú dân sự của họ là hôn phối tự nhiên và Giáo Hội vẫn tôn trọng hôn phối đó. Nhưng đối với người công giáo, họ có nghĩa vụ của các tín hữu, đó là hôn phối của họ phải được kết ước theo thể thức của Giáo Hội đã quy định (GL 1108) để có thể là bí tích Hôn Phối.

Nếu nghĩ rằng vì đã tốn kém nhiều mới lấy được vợ ở Việt Nam, nên phải ăn ở với nhau càng sớm càng tốt dù chưa làm phép cưới đạo, thái độ đó phản ánh sự thiếu tôn trọng người bạn đời của mình, coi vợ như món hàng mình đã tốn kém nhiều mới kiếm được nên phải tận hưởng càng sớm càng tốt. Quan niệm đó cũng không phù hợp với Giáo Lý Công Giáo về hôn nhân.

Đối với Giáo Hội, hôn phối không phải chỉ là chuyện riêng tư thuần túy giữa hai người nam nữ, nhưng còn liên hệ tới toàn thể cộng đoàn Kitô. Thật vậy, từ hôn nhân Kitô giáo phát sinh gia đình Kitô với tất cả sự phong phú của cuộc sống, khả năng giáo dục và ảnh hưởng đối với Giáo Hội. Gia đình là tế bào đầu tiên của Giáo Hội và được Công Đồng Vaticanô II gọi là “ Giáo Hội tại gia”. Khi cử hành hôn phối theo nghi thức đạo, đôi vợ chồng công giáo bày tỏ quyết tâm dấn thân sống đời hôn nhân theo giới luật của Chúa và những mong đợi của cộng đồng Giáo Hội.

Lm. Agostino Nguyễn Văn Dụ

Trở lại Đầu trang

Góc thảo luận khác