Thứ năm 06/08/15 15:00 PM

người trẻ thách đố của thời đại

Người trẻ là tương lai của thế giới và Giáo hội[1] vì người trẻ đầy sức sống, nhạy bén, sáng tạo và đổi mới. Nhưng song song với tinh thần lạc quan yêu đời, phấn khởi hân hoan dệt nhiều ước mơ đẹp, người trẻ trong kỷ nguyên mới cũng đang phải đối diện với những thách đố mới của khoa học kỹ thuật, hệ thống điện toán, kinh tế thị trường và sự giao thoa văn hóa đa dạng mang tính toàn cầu. Đồng thời do ảnh hưởng hỗ tương, chính thái độ sống của người trẻ cũng trở nên thách đố của thời đại. Vì thế, trong bài viết xin trình bày hai điểm:

Người trẻ trước thánh đố của thời đại

Người trẻ là thách đố của thời đại

Hy vọng khi hiểu biết hơn về cuộc sống và tính cách của người trẻ, chúng ta dễ  đồng hành với người trẻ hơn và có thể giúp họ định hướng, xây dựng nhân cách lành mạnh, trưởng thành để có thể sống an bình và hạnh phúc trước những biến chuyển đổi thay không ngừng của thế giới hiện đại.

I. NGƯỜI TRẺ TRƯỚC THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI

Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã nâng mức sống nhân loại ngày một cao hơn về nhiều phương diện dẫn đến nếp sống đô thị hóa và hiện đại hóa. Vì thế, người trẻ trong một nước đang phát triển tiến tới công nghiệp hóa, khi đối diện với những thách đố của cuộc sống, luôn cần biết định hướng để có một thái độ sống thích hợp. Vì khi nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay, qua những phương tiện truyền thông đại chúng, qua quan sát thực tế và qua kinh nghiệm tiếp cận cụ thể, chúng ta đều có cảm nhận rất rõ: đa số người trẻ hôm nay đang ở trong hai cơn lốc xem ra ngược chiều nhau: cơn lốc đầu tư kiến thức và cơn lốc hưởng thụ dưới nhiều hình thức; trong đó nhiều bạn trẻ băn khoăn vì không dễ tìm được một tình yêu đích thực.

1. Thách đố về kiến thức

Quả thực, kiến thức là một thách đố lớn cho người trẻ hôm nay hội nhập vào vòng xoay của nền kinh tế thị trường. Vì con người ngày nay nhận ra rằng: kiến thức và chất xám là đôi chân để tiến thân trong xã hội công nghiệp, khoa học kỹ thuật. Qui luật cạnh tranh lợi nhuận của các chủ doanh nghiệp luôn dẫn đến qui luật đào thải những nhân công không đủ trình độ và năng lực. Vì  thế khắp nơi người người hối hả nỗ lực học tập để xây dựng sự nghiệp. Nhiều bậc cha mẹ trải qua kinh nghiệm bế tắc của mình: bị thất nghiệp vì không đủ bằng cấp, nên đã động viên, tạo điều kiện cho người trẻ nâng cao kiến thức. Trong bối cảnh như thế, một số  người trẻ, lao mình vào cơn lốc đầu tư kiến thức đến kiệt sức. Vì cơn lốc đầu tư kiến thức luôn song hành với cơn lốc tốc độ [2]. Một số bạn trẻ học năm ca một ngày: sáng, trưa, chiều, tối, khuya không có thời gian giải trí, nghỉ ngơi; một số cha mẹ trong những gia đình trẻ sau một ngày lao động ở công ty, xí nghiệp lại đi học thêm để nâng cao trình độ về ngoại ngữ, vi tính hay một phân khoa đại học, nên khi về đến nhà thì con nhỏ đã ngủ rồi. Và cứ như thế, nếu không được định hướng đúng đắn, cơn lốc kiến thức đã, đang và sẽ đưa nhiều người trẻ tới thành công trong sự nghiệp nhưng lại bị tổn thương rất nhiều về sức khoẻ và những mối tương quan gia đình, dòng họ. Cụ thể là ngày càng nhiều hơn những bạn trẻ bị stress và đánh mất chính mình cũng như truyền thống đạo hiếu.

2. Thách đố về hưởng thụ

Bên cạnh số đông người trẻ chạy theo cơn lốc đầu tư kiến thức, thì một lớp không nhỏ người trẻ khác lại bị cuốn vào cơn lốc hưởng thụ. Quả thực, một xã hội tôn thờ lợi nhuận vật chất với những điều kiện hưởng thụ dưới nhiều hình thức luôn có sẵn khắp nơi, là một thách đố rất nguy hiểm cho người trẻ hôm nay. Từ những sách báo không lành mạnh, đến những băng dĩa phim sex được trao cho nhau một cách dễ dàng nơi các bạn học sinh sinh viên; từ những quán Karaôkê buổi tối đến những vũ trường thâu đêm; từ những nhóm bạn đi chơi xa trong những ngày lễ đến những nhà trọ, khách sạn hạng sang. Tất cả đều là những lối sống thực dụng, buông thả, trượt dốc đường dài, đánh mất tương lai! Một điều đáng lo ngại là thách đố về nhu cầu hưởng thụ không chỉ dừng lại những bạn trẻ bỏ học vì ham vui, nhưng nó vẫn luôn là một thách đố cho từng ngày sống của tất cả các bạn trẻ, ngay cả những bạn đã thành đạt với học vị cao và nghề nghiệp ổn định. (như báo chí vẫn đăng tin những cuộc ăn chơi cao cấp của các anh chị giám đốc trẻ với các ca – ve được phân loại theo xe đời mới: nhất Mẹc, nhì Bi, tam Ri, tứ Mác). Và có thể nói chắc chắn rằng nếu không biết định hướng các bạn trẻ sớm muộn cũng rơi vào bẫy cơn lốc hưởng thụ của nền kinh tế đề cao lợi nhuận trên phẩmgiá con người.

3. Thách đố về tình yêu

Làm sao để có được một tình yêu đích thực? Hay cần phải nuôi dưỡng tình yêu như thế nào? Đó là mối bận tâm rất lớn của hầu hết các bạn trẻ; đồng thời nó cũng thách đố các bạn phải biết định hướng cho tình yêu của mình. Vì trong thực tế, hầu như  tất cả các bạn trẻ đang ở trong hai cơn lốc đầu tư kiến thức và hưởng thụ vô độ đều cảm thấy vong thân, trống rỗng vì chưa cảm được hạnh phúc thực sự của người được yêu. Nếu như  trước khi kết hôn các bạn trẻ thay vì hỏi: “ Anh/Em có yêu Em/Anh không?”, lại chỉ đặt điều kiện 4 chữ C với nhau: “Anh/Em có Condominium (nhà ở) không?”, “Anh/Em có Career (nghề nghiệp) không?” , “Anh/Em có Credit Card (thẻ tín dụng) không?” , “Anh/Em có Car (xe hơi) không?” (từ một tạp chí của Singapore) thì hệ quả cuộc tình đó sẽ như thế nào? Hoặc đối với các bạn trai nếu chỉ dệt ước mơ với 4 yếu tố: một vợ, hai con, nhà ba tấm, và xe bốn bánh mà không biết người yêu của mình đang mong ước gì thì họ có cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc được không? Vì  trong cuộc sống hiện nay nhiều người đã có đầy đủ điều kiện 4 C hay 4 điều mơ ước nói trên nhưng vẫn không có được một người chồng/vợ yêu mình thực sự; cụ thể là có nhiều gia đình đầy đủ tiện nghi, tiền của nhưng lại thiếu mối tương giao chân thật, tôn trọng và cảm thông với nhau nên đã dẫn đến ngoại tình và li hôn.

Tóm lại, thời đại hôm nay luôn mở ra cho người trẻ những cơ hội để thăng tiến và có được nếp sống văn minh hạnh phúc, đồng thời nó cũng luôn thách đố người trẻ phải có năng lực để thích nghi và có ý chí sáng suốt mạnh mẽ để biết chọn lựa cho cuộc đời mình một ý nghĩa sống vươn tới chân, thiện, mỹ. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ chưa được chuẩn bị đủ để đối phó với cơn lốc thị trường nên đã quá mệt mỏi với cơn lốc đầu tư kiến thức, hay bị cơn lốc hưởng thụ cuốn trôi đi. Nhưng chúng ta cũng thấy  nhiều người trẻ đã có được một định hướng đúng đắn cho cuộc đời mình; chính những thách đố của thời đại đã giúp họ đạt được ba chữ  K: Kiến thức, Kinh nghiệm và Kỹ năng; Đồng thời họ cũng sớm có một bản lãnh, trưởng thành khi biết làm chủ tự do, biết chọn lựa nếp sống quân bình để có được một sự hài hòa trong nét đẹp: sức khỏe, năng lực và phẩm cách.

Từ những nhận định trên về thực trạng của người trẻ hôm nay trước những thách đố của thời đại, chúng ta luôn được mời gọi giúp họ có những thái độ sống được định hướng tốt đẹp. Đặc biệt là đáp ứng khát vọng cho các bạn trẻ đang bơ vơ, lo âu, băn khoăn tìm hướng đi, có được một chọn lựa ý nghĩa khi đặt niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ ban cho họ Thần Khí khôn ngoan, sức mạnh và tình yêu để giúp họ nâng cao kiến thức, chiến thắng những cám dỗ hưởng thụ và biết sống yêu thương để cảm được hạnh phúc đích thực của người được yêu.

II. NGƯỜI TRẺ LÀ THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI

Tại sao Thượng hội đồng Giám Mục Á Châu lại quan trọng đến thế? Tại sao Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô lại quan tâm, yêu mến giới trẻ trong thế giới một cách rất đặc biệt? Tại sao việc giáo dục đào tạo người trẻ được coi là thượng sách trong việc canh tân đổi mới đất nước cũng như  những giáo hội địa phương hay cộng đoàn các dòng tu? Thưa vì Á Châu nhiều người trẻ và sự hiện diện của người trẻ đang là một thách đố của thời đại, thách đố của niềm tin tôn giáo, thách đố cho sự phát triển hay suy vong của một dân tộc, hay một tập thể. Họ là niềm vui hạnh phúc của gia đình nhưng họ cũng có thể là nguyên nhân dẫn gia đình tới khủng hoảng! Họ có thể là những người trẻ đưa nhân loại này tới nền văn minh tình thương hay nền văn minh sự chết! Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu về tính cách của người trẻ hôm nay và giúp họ làm sao có được thế quân bình giữa khối óc và con tim, giữa hiện tại và tương lai qua thái độ sống biết phân biệt thế nào là tự do và nô lệ?

1. Khối óc và con tim

Như đã nói trên, kiến thức, trình độ chuyên môn là một thách thức rất cao cho người trẻ hôm nay để không bị đào thải trong mạng lưới toàn cầu hóa: văn hóa, kinh tế, xã hội. Kiến thức tạo bản lãnh cho người trẻ tự tin vào đời xây dựng tương lai, sự nghiệp, gia đình và tổ quốc. Nhưng hiện nay có nhiều dấu báo hiệu cho thấy, người trẻ đã quá thiên về kiến thức đến nỗi đang biến mình thành người máy rô-bô không có trái tim, không biết thể hiện đạo hiếu, lòng biết ơn với cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình. Thực ra, một nhân cách lành mạnh luôn cần có sự quân bình giữa tâm và trí, khối óc và con tim; nếu khác đi, người trẻ sẽ bị dị dạng hay trở thành một người mang bệnh tâm lý cần phải trị liệu bằng những mối tương quan yêu thương trong hệ thống gia đình. Kinh nghiệm cho thấy rằng: chính những người trẻ tự tách rời khỏi tình cảm gia đình là những người luôn luôn gặp bế tắc trong mối quan hệ xã hội, nhất là trong tình yêu hôn nhân. Do đó, phương pháp hữu hiệu nhất để trị liệu nhân cách lệch lạc của họ là đề nghị họ biết trân quí những tình cảm thiêng liêng vô vị lợi của cha mẹ, anh chị em trong gia đình để kín múc ở đó nguồn lực yêu thương có sức chữa lành những vết thương trong cuộc đời.

2. Hiện tại và tương lai

Thách đố thứ hai người trẻ đang đặt ra cho các nhà giáo dục là lối sống khập khễnh của họ giữa hiện tại và tương lai. Có những bạn trẻ chỉ mải miết đầu tư cho tương lai mà quên thưởng thức hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại, ngược lại có những bạn trẻ chỉ biết hưởng thụ cuộc sống hiện tại mà không biết định hướng tương lai. Lối sống của các bạn trẻ đang ở trong cơn lốc đầu tư kiến thức và cơn lốc hưởng thụ được nói ở trên là một minh họa cụ thể. Nếu đầu tư kiến thức cho tương lai mà đánh mất chính mình cũng như những mối tương quan thân thương của gia đình trong hiện tại thì cuối cùng vẫn là kẻ thất bại, cô đơn. Ngược lại nếu chỉ lo tìm mình trong những cuộc vui chơi hiện tại, mà không biết làm cho thời gian sinh hoa kết trái thì chỉ còn lại một nội tâm trống rỗng! Thách đố này luôn mời gọi các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ biết giúp cho con em mình một hướng đi trong an bình và tràn đầy niềm vui nơi bầu khí gia đình và học đường. Thực ra, một người khôn ngoan và hạnh phúc luôn biết trân quí từng giây phút hiện tại để xây dựng tương lai. Vì thế, nếu Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các vị nguyên thủy quốc gia nói về giới trẻ là tương lai của Giáo Hội hay tổ quốc, là các vị có ý khuyến khích các bạn trẻ, các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ biết phát huy những tiềm năng trong khối óc và con tim của người trẻ ngay trong giây phút hiện tại để họ trở thành những con người có sức khoẻ, năng lực và phẩm chất tốt đẹp đem lại ích lợi cho tương lai của chính họ cũng như của Giáo Hội và xã hội.

3. Tự do và nô lệ

Nét đặc trưng nơi người trẻ là tính tự do. Nhờ tự do họ có thể khẳng định bản thân và thể hiện tình yêu để vươn lên trong cuộc sống. Nhưng chính thái độ sống tự do của người trẻ hiện nay đang trở thành một thách đố lớn cho nền an sinh xã hội. Khi một nền văn hóa tự do không hướng về chân, thiện, mỹ để xây dựng con người, thì nó có thể dùng hệ thống điện toán với những mạng lưới thông tin đại chúng tinh vi để biến từng lớp người trẻ thành nô lệ hóa cho bản năng tính dục. Tương tự với một nền kinh tế tự do cũng thế, cơn lốc tiêu dùng là sản phẩm của nó cũng đã làm cho nhiều người trẻ mua sắm đến ngã gục[3]. Điều đáng thương tâm hơn cả là nhiều bạn trẻ đang đấu tranh cho cách sống tự do “hiện đại hoá”, lại không biết mình đang ở trong thực trạng nô lệ cho bản thân và guồng máy tinh xảo của các nhà kinh tế, chính trị đang muốn thống trị toàn cầu.

Đức Kitô trong sa mạc cũng đã phải đối diện với những thách đố về tự do khi ma quỉ đề nghị Người thể hiện thái độ tự do để thần tượng mình, nhưng Người đã không vương vào cạm bẫy biến Người thành nô lệ cho những giá trị trần thế. Trái lại Người đã chọn thái độ tự do của người con luôn lấy ý muốn của Cha làm lẽ sống cho mình. Người cũng không muốn nhanh chóng cứu độ bằng lý thuyết và quyền lực, nhưng khiêm tốn sống từng giây phút hiện tại một cách thân tình với con người để loan báo về tình yêu của Thiên Chúa như một người Cha với từng người con. Vậy muốn giáo dục tự do cho người trẻ hiện đại, chúng ta hãy dẫn họ đến với Chúa Giêsu trong Thánh Kinh và Thánh Thể. Hy vọng, chính tình yêu đích thực của Đấng đã dám chết cho người mình yêu sẽ thu hút các bạn trẻ dám hiến thân như một chứng nhân giữa lòng xã hội để cùng với Đức Giêsu Kitô loan báo ơn cứu độ của Cha.

KẾT LUẬN

Những thách đố của thời đại mới luôn mở ra cho người trẻ một chân trời mới, một diễn đàn mới, gọi mời người trẻ dấn thân với một thao thức mới, một nhiệt tình mới trong một phương cách mới. Vì thế, mong rằng các bạn trẻ của kỷ nguyên mới hãy biết cảm tạ Thiên Chúa bằng một bài ca mới, bài ca tình yêu hát về cuộc đời của Đức Giêsu Kitô.

- Nơi Người là Lời sáng tạo vũ trụ sẽ thông ban cho các bạn kho tàng kiến thức vượt trên mọi bước tiến của khoa học kỹ thuật hiện đại

- Nơi Người các bạn sẽ gặp được một tình yêu đích thực đem lại cho các bạn sự bình an và hạnh phúc đến nỗi các bạn có thể hợp chung với Giáo hội ca lên rằng:

“Ôi lạy Chúa con thấy mình đói lả,

chỉ có Ngài là no thoả được thôi,

tội lỗi xưa con hối hận lắm rồi,

chỉ ao ước trở nên người đức hạnh”[4]

- Nơi Người, trái tim và khối óc của các bạn luôn hoà điệu với nhau để biến từng phút giây hiện tại thành tình yêu để xây dựng cho mình một tương lai bền vững với ý thức tự do của người được sai đi loan báo Tin mừng về một Thiên Chúa yêu thương loài người

Trong ý nghĩa trên, là những nhà giáo dục, chúng ta hãy hiệp thông với người trẻ để cảm tạ Thiên Chúa, ngay cả khi tính cách và cuộc sống của họ đang thách đố chúng ta. Vì ngày nào chúng ta cảm thấy yên ổn mới là ngày nguy hiểm vì e rằng chúng ta sẽ ngủ quên trong chiến thắng và không còn kêu cầu danh Đức Giêsu Kitô nữa. Vì thế, ngày nào còn cảm thấy thách đố vây quanh, chúng ta hãy biết rằng mình còn đang được mời gọi bước theo Đức Kitô và hy vọng sẽ được chứng kiến những cuộc biến đổi kỳ diệu nơi những ai tin vào danh Người và mở lòng ra đón nhận Người.

Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh

[1] x. ĐGP II, Tông thư ngàn năm thứ ba đang đến số 58,

[2] x. Nguyễn Thị Oanh, Để cuộc đời có ý nghĩa, nxb Trẻ, 1999, tr, 49

[3]x. Nguyễn Thị Oanh, Để cuộc đời có ý nghĩa, nxb Trẻ, 1999, tr, 49

[4] Thánh thi kinh trưa Mùa Chay

Trở lại Đầu trang

Góc thảo luận khác