Thứ ba 07/07/15 17:07 PM

tự do sau nguyên tội

Thiên Chúa với tình yêu và sự tôn trọng tuyệt đối đã tạo dựng nên con người và tặng ban nhưng không cho con người sự sống và quyền được sống[1]. Một trong những điều quý giá của ân ban đó chính là TỰ DO. Thiên Chúa cho con người có quyền tự do trong chính mình và đối với các vạn vật khác. Điều này cho thấy con người trổi vượt hơn hết các loài khác và cũng cho thấy Thiên Chúa luôn tôn trọng con người. Đó là một sự tự do tuyệt đối và hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi nguyên tội phạm tội thì sự tự do đó đã bị mất đi phẩm tính tinh tuyền của nó. Điều đó đã khiến cho con người luôn phải chiến đấu với tự do ước muốn của mình. Đó chính là ý tưởng trình bày trong bài này.

I. Tự do là ân ban nhưng không của Thiên Chúa

Do tình yêu thương và muốn chia sẻ sự sống với thế giới nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo ý của Ngài. Thiên Chúa ban cho thế giới sự tự do, nên tự do là một điều thiện được kín múc từ Thiên Chúa. Chính vì thế, tự do sẽ làm cho con người trở nên giống Thiên Chúa nhiều hơn.

1. Tình yêu tự do tạo dựng của Thiên Chúa

Trong toàn bộ lịch sử, nhất là lịch sử nhân loại, đó là một mạc khải liên tục về tình yêu. Vì Thiên Chúa là tình yêu và cũng chính vì yêu Ngài đã tạo dựng nên loài người để chia sẻ tình yêu với Ngài, đó chính là mục đích duy nhất trong cuộc tạo dựng này. Trong những đặc tính tốt đẹp nhất của mình, loài người chính là mạc khải của tình yêu, vì họ đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được sống tự do[2]. Từ sự “dư đầy” của tình yêu của Ngài, Ngài đã tạo dựng chúng ta. Ngài muốn chia sẻ niềm vui vô tận với chúng ta, những kẻ được dựng nên từ tình yêu Ngài.

Như vậy, khi nói tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không và tự do tạo dựng, điều này có nghĩa đây là một tình yêu vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới... Hay nói cách khác, không phải vì con người thế này thế kia mà Thiên Chúa yêu thương nó và tỏ mình ra cho nó, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa bao giờ cũng đi bước trước, tức là tất cả đều do sáng kiến tình yêu tự do của Ngài.

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất" (St 1, 27-28)

Khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã ban tặng cho họ sự tự do. Tự do chính là quà tặng cao quí nhất. Vì nhờ sự tự do, mà con người có thể chọn làm điều này hoặc điều kia. Nhờ sự tự do, mà con người được đặt lên cao hơn mọi thú vật.

Theo sách Giáo Lý Công Giáo, "Thiên Chúa sáng tạo con người có lý trí và ban cho họ phẩm giá của một ngôi vị có sáng kiến và làm chủ các hành vi của mình. Thiên Chúa để cho con người tự quyết định lấy (Hc 15:14), để nó có thể tự mình tìm kiếm Đấng Tạo Hóa của nó và đạt tới sự toàn hảo đầy đủ và diễm phúc"[3]. Thánh Irenê còn thêm, "Con người có lý trí và nhân phẩm đó giống như Thiên Chúa, nghĩa là nó đã được tạo dựng như một hữu thể tự do và làm chủ các hành vi của mình."

2. Tự Do là điều thiện được kín múc từ Thiên Chúa.

Hành vi tự do là khả năng hành động hoặc không hành động của lý trí và ý chí. Nghĩa là suy nghĩ để làm việc này hay không làm việc kia. Nhờ ý chí tự do, mỗi người quyết định về chính hành động của mình. Tự do trong con người là một sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và sự tốt lành. Tuy nhiên, sự tự do của ta đạt được mức toàn hảo khi nó quy hướng về Thiên Chúa là diễm phúc của ta[4].

Như vậy, Tư do là điều thiện chỉ khi bắt nguồn từ sự thiện tối hậu của chính Thiên Chúa, vì tự do của con người vẫn có thể chọn sự thiện hoặc sự ác, nghĩa là vẫn có thể tăng trưởng về sự hoàn thiện, hoặc suy đồi và phạm tội[5]. Vì thế, không thể “có tự do trong sự tự do được”. Tự do phải được đặt trong ý định của Thiên Chúa thì mới trở nên sự thiện được.

3. Tự do làm cho con người giống hình ảnh Thiên Chúa hơn.

Con người ngày hôm nay luôn mang trong mình một khát vọng tự do rất mãnh liệt. Trong họ luôn có một nhu cầu vươn đến tuyệt đối và vô biên, vì đơn giản họ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa[6]. Chính vì điều đó nên con người luôn cố gắng tìm cách tới gần và giống Thiên Chúa hơn[7].

Trong hành trình cố gắng tìm cách tới gần Thiên Chúa. Con người cố gắng sử dụng lý trí và ý chí để chế ngự tự do của mình nhằm đạt tới phẩm giá thánh thiện. Để làm được điều đó con người phải hành động theo sự chọn lựa ý thức trước những ước muốn vươn cao. Chính trong những ước muốn vươn cao đó dễ làm cho con người bất chấp để đạt mục đích. Chính lúc đó, mục đích đạt được đang tách sự thiện ra khỏi tự do. Một khi sự thiện bị tách ra khỏi tự do thì con người sẽ dễ dàng bước vào lầm lạc của chọn lựa. Con người giống hình ảnh Thiên Chúa vì con người có phẩm giá cao trọng hơn mọi loài thụ tạo khác là có ý thức trong tự do. Chính vì thế khi ta đánh mất đi sự thiện của tự do cũng chính là lúc ta làm mất đi phẩm giá cao quý.

II. Tự Do Sau Nguyên Tội

Quyền tự do là một ân ban tuyệt vời, nhưng nó cũng có thể trở thành môt thứ quyền đáng sợ. Nó có thể là nguyên nhân khiến con người nên cao quý thật sự nhưng cũng có thể là nguyên nhân khiến con người trở nên tội lỗi. Do đó con người có thể lấy tình yêu đáp ứng lại với tình yêu Thiên Chúa, nhưng cũng có thể phản nghịch[8].

1. Tự do sử dụng tự do[9]

“Tự do làm người tội lỗi, tự do trở nên thánh”[10]. Đó là một sự chọn lựa của ta. Con người cao cả không phải vì có thể theo sở thích, vì có thể phản nghịch hay vì có thể chiều theo những xu hướng mù quáng của dục vọng trái với lý trí và đức tin, nhưng chính là vì có thể tự ý đón nhận ý muốn của Thiên Chúa. Điều đó quả thật không dễ dàng, quyền tự do bị ảnh hưởng bởi nhiều sức lực thúc đẩy, không những là từ bên ngoài (như khung cảnh sống, hoàn cảnh xã hội …)mà còn cả bên trong (như tính tình, sức khoẻ, dục vọng …)

Trong hoàn cảnh xã hội nơi con người sinh sống sẽ có nhiều điều thu hút sở thích và ước muốn của họ. Đứng trước những thu hút đó, con người có quyền lựa chọn làm hay không làm một điều gì đó … Ngay trước khi phạm tội, nguyên tổ cũng đã tồn tại ước muốn thăng hoa: “Người đàn bà trông thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3, 1). Ngay sau khi có ý tưởng rằng ăn trái cây đó vào sẽ được tinh khôn thì người đàn bà hái trái cây ăn ngay lập tức[11], không chỉ ăn một mình, người đàn bà còn đưa cho chồng ăn nữa. Đứng trước lời mời gọi của con rắn, nguyên tổ có đủ tự do để chọn lựa hành động của mình, nhưng họ đã tự do chọn lựa ngược lại với ý của Thiên Chúa[12]. Và hậu quả của hành động tự do ngược với ý của Thiên Chúa là: “mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng : “họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3, 7).

Trong tự do ban đầu trước nguyên tội, Thiên Chúa luôn mời gọi ta nên Thánh trong chính sự tự do của mình[13]. Thiên Chúa muốn coi ta như một người trưởng thành, và trong mọi hoàn cảnh Ngài luôn cho ta tự quyết định lấy. Hai chiều hướng thường và rất thường hay xảy ra trong nội tâm của một số người là[14]: 1- nghi ngờ không biết rằng mình có làm đúng với thánh ý Thiên Chúa hay không ; 2- chắc chắn rằng mình đã và đang làm theo ý Chúa. Trong hai chiều hướng này sẽ dẫn đến những con đường khác nhau. Nếu ta luôn tự tin là mình đã và đang làm theo thánh ý Thiên Chúa, và đang ở trong sự thật, ta sẽ nhanh chóng xa vào hiểm hoạ của tự phụ và sẽ dễ dàng dẫn đến kiêu ngạo và từ kiêu ngạo này sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng tự do cách tự do không theo ý Chúa. Bên cạnh đó, việc nghi ngờ không biết mình đang thực hiện thánh ý Chúa hay không là một nỗi khốn cùng, nhưng nó lại bảo vệ ta: giữ gìn ta luôn sống bé nhỏ, khiêm tốn, kiên trì tìm kiếm, và giúp ta tránh tình trạng chỉ cậy vào mình và sống trong một thứ an toàn giả tạo không còn nghĩ đến phó thác.

Như vậy, con người luôn có sẵn trong mình một tự do lựa chọn, tự do quyết định, và Thiên Chúa luôn mở rộng chào đón con người đến với Ngài trong sự tự do chọn lựa. Lựa chọn trở nên thánh hay có thể sa lầy đều nằm trong khả năng của con người, vấn đề chính là ở con người có dám bước theo thánh ý của Thiên Chúa mời gọi hay không.

Hậu quả của việc chọn lựa sai lầm có thể dẫn con người đi chệch hướng, thay vì đến với Chúa thì con người lại bị vật cản giữa đường và đi chệch hướng. Nguyên tổ cũng đã chọn lựa, cũng đã quyết định trong lựa chọn của mình, và nguyên tổ cũng đã bước được đến ý muốn của mình, nhưng quyết định đó đã khiến nguyện tổ xa lìa Thiên Chúa và phải chết vì tội lỗi đè nặng.

2. Hậu quả của “tự do sử dụng tự do”

Trong xã hội ngày hôm nay, tự do sử dụng tự do có thể trở thành tự do là kẻ tội lỗi. Điều này có nghĩa là: khi con người thản nhiên chiều theo ý muốn xác thịt, mà xác thịt thì vốn yếu đuối, sẽ làm cho con người xa lìa với tự do ban đầu, tự do nguyên thuỷ. Hậu quả của hành động này sẽ làm cho con người mất đi tự do đích thực. Bởi vì khi đó, con người sẽ bị ràng buộc trong án phạt của tội lỗi. Con người luôn phải đối đầu giằng co với chính mình, chiến đấu với sự thiện của tự do ban đầu trước nguyên tội đã từng có. Con người luôn tự nói dối chính mình rằng làm điều đó thì không sao đâu. Đó là một sự tự chấn an lương tâm. Con người đã mất tự do khi sử dụng tự do cách tự do. Chính tội lỗi sẽ làm cho con người không còn tự do nữa, nhưng con người cứ tưởng mình đang sống trong tự do. Cái ràng buộc lớn nhất của tội lỗi chính là cái chết mà con người phải gánh chịu.

Hậu quả của việc tự do sử dụng tự do trong xã hội hôm nay khiến con người luôn phải nói dối chính mình và với người khác. Nguyên tổ sau khi phạm tội cũng đã đổ lỗi cho nhau và không nhận trách nhiệm của mình vừa làm: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi : "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?" Con người thưa : "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà : "Ngươi đã làm gì thế ?" Người đàn bà thưa : "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 11-13). Sau khi phạm tội, nguyên tổ đã đổ tội cho nhau và cuối cùng thì đổ cho con rắn dụ dỗ mình. Tuy nhiên, nguyên tổ đã quên mất một điều là Thiên Chúa đã cho họ làm chủ vườn địa đàng, và làm chủ cả con rắn, nhưng họ lại bị con rắn dụ dỗ. Như vậy, chính nguyên tổ đã tự bỏ đi cái phẩm giá cao cả mà Thiên Chúa ban cho họ là làm chủ muôn loài. Họ đã tước bỏ đi phẩm giá cao quý đó chỉ vì ước muốn của bản thân và kiêu ngạo. Quyết định đó của Nguyên tổ đã trở thành hậu quả cho con cháu. Con người ngày hôm nay luôn sợ sệt trước cường quyền và luôn để mình bị cám dỗ trước những dục vọng của bản thân, của xã hội, mà đáng lý ra con người có quyền trên chúng và chúng phải nghe theo con người, nhưng hôm nay con người phải nghe theo sự hướng ý chúng: con người dễ nghe theo tiền tài, danh vọng, xác thịt…..Những thứ này đều do con người làm chủ nhưng giờ đây lại trở thành chủ của con người.

III. Chấp nhận và đón nhận bản thân - một hướng tự do chọn lựa nên thánh[15]

Một ảo tưởng cơ bản liên hệ đến khái niệm tự do nơi mỗi con người là làm cho khái niệm này trở thành một thực tại bên ngoài, lệ thuộc vào hoàn cảnh, thay vì xem nó là một thực tại bên trong con người của mình. Để đươc tự do đích thực, trước tiên ta phải tìm kiếm tự do trong nội tâm và cũng phải biết chấp nhận và đón nhận bản thân.

1. Cái nhìn về tự do

Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm rằng: “Chúa ở trong con, trong khi ấy con lại ở bên ngoài, và con đã đi tìm Ngài bên ngoài con”. Trong cuộc sống, rất thường khi ta có cảm tưởng điều làm giới hạn sự tự do, đó là những hoàn cảnh đang bao vây ta như: sự gò bó do xã hội áp đặt, đủ loại yêu sách của tha nhân đè nặng, những giới hạn liên quan đến khả năng thể lý khiến ra như tù nhân … Để tìm thấy tự do của mình, ta phải cố gắng loại trừ những gò bó và giới hạn đó. Khi cảm thấy hơi ngột ngạt trong một số hoàn cảnh khiến ta cảm thấy tù túng, ta hay đổ lỗi cho các thể chế hay cho những người liên quan. Các mối dây gò bó ràng buộc như vậy đã cản trở chúng ta được hưởng tự do như khát vọng của mình. Bởi vì, đốI với họ, tự do là không bị ràng buộc và được hành động theo ước muốn của bản thân. Đó chỉ là tự do nhìn thấy bên ngoài và không bền vững, vì nếu chúng ta quan niệm như vậy thì chúng ta đâu cần phải ngừng lại khi gặp đèn đỏ. Nhưng nếu không ngừng lại, một lúc nào đó chúng ta sẽ gặp tai nạn. Như vậy, tự do đó không bền vững.

Tự do đích thực có một giá trị, và người ta chỉ tự do khi tìm kiếm những giá trị đó. Tự do không phải là một điều được làm sẵn trong mọi tình trạng, nhưng chính con người phải làm nên. Nó là một sự chin phục và đòi hỏi con người phải chinh phục và đôi khi cũng có thể thất bại, nhưng nó lại là một cơ hội để ta tiến đến tự do đích thực. Sự chinh phục đó được thực hiện trước tiên bằng việc giải phóng chính bản thân của mình để gặp gỡ chính mình trong nội tâm. Chính đức Maria đã giải phóng chính bản thân của mình khi bỏ đi dư luận xã hội, hạnh phúc riêng để tự do đón nhận Ngôi Lời nhập thể trong lòng mình.

2. Chấp nhận bản thân để hướng đến tự do đích thực

Tự do được xây dựng trên hiện hữu của bản thân có liên hệ đến những người xung quanh. Chính vì thế, muốn được tự do đích thực ta phải chấp nhận chính mình.

Trong mỗi con người thường có ước muốn và dục vọng rất cao. Khi đối diện với người khác với cách sống của họ, suy nghĩ của họ….ta thường cảm thấy bị gò bó, tù túng, vì những cách sống, cách suy nghĩ đó khác với ta. Điều này khiến ta cố gắng tránh gặp gỡ những người bất đồng ý kiến với ta, bởi vì những bất đồng đó sẽ làm ta phải nương theo họ, và như thế ta đâu còn tự do nữa. Không chấp nhận người khác cũng đồng nghĩa với việc không chấp nhận bản thân. Bản thân mình yếu kém nên không muốn người khác hơn mình. Điều này làm cho ta lựa chọn những người ta sẽ tiếp xúc. Ta sẽ không muốn tiếp xúc với những người giỏi hơn ta vì họ có thể làm chủ suy nghĩ và hành động của ta. Ta sẽ dễ dàng tiến đến với những người yếu hơn ta vì ta có thể điều khiển họ được. Tuy nhiên trong cuộc đối thoại này ta quên mất một điều là khi tiếp xúc với những người giỏi nếu ta khiêm nhường lắng nghe và học hỏi ta sẽ giỏi hơn và có thể tiến tới tự do đích thực khi  tìm kiếm được những giá trị từ nơi người khác. Ta chỉ có thể tự do khi chấp nhận tôi là tôi.

Việc chấp nhận chính mình khó khăn hơn là ta tưởng, bởi sự kiêu ngạo, xác tín về sự yếu kém của mình đã bắt rễ sâu trong ta. Ta chỉ có thể chấp nhận chính mình khi sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Cái nhìn của Thiên Chúa là sự yêu thương và cảm thông. Thiên Chúa nhìn con người từ bên trong con người nhìn ra. Còn ta nhìn người khác từ bên trong ta về phía họ. Hai cái nhìn hoàn toàn khác biệt. Thiên Chúa nhìn từ con người nhìn ra thể hiện một sự thông cảm chia sẻ với con người hơn là bắt con người “phải là”. Còn chúng ta nhìn nhau từ chính chúng ta nhìn ra nên sẽ dễ dàng bắt người khác “phải là”. Với cái nhìn của con người như vậy đã làm cho con người mất đi tự do khi luôn tìm cách thay đổi thực tại theo ý mình. Như thế, con người sẽ không còn phút giây thư thái bình an sống yêu thương. Con người sẽ mất tự do bởi chính mình đang gò bó chính mình tìm cách thay đổi thực tại.

IV. Kết luận - Tự do đích thực chỉ có khi hướng đến Thiên Chúa.

Tóm lại, tự do trước hết là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có tự do đích thực. Tự do phải được đặt trong tình yêu thương. Tình yêu thương đó trước hết khởi đi từ Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho con người tự do khởi đi từ tình yêu thương của Ngài, thì con người cũng phải thi hành quyền tự do đó trong tình yêu đối với Ngài, đối với chính mình và đối với tha nhân. Tình yêu chính là lề luật của Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa không có luật nào cao hơn tình yêu. Như vậy, khi con người thi hành quyền tự do của mình theo lề luật của Thiên Chúa tức là con người đang dần dần bước được vào cánh cửa tự do đích thực.

Tự do đích thực là sống trong lề luật của Thiên Chúa. Thiên Chúa là căn bản của tự do. Không ai có thể nói tôi có tự do khi tôi muốn làm theo ý của tôi. Đó chính là tự do chọn lựa là người tội lỗi. Tự do chọn lựa để nên thánh là tự do sống trong ý Chúa và thi hành ý muốn của Chúa trong ơn gọi của mình. Không thể có tự do đích thực khi tách Thiên Chúa ra khỏi hành động của mình. Bởi vì Thiên Chúa là nguồn mạch của tự do và là tự do tinh tuyền.

SÁCH THAM KHẢO:

    Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2010.
    Công Đồng Vaticanô II.
    Jacques Philippe, TỰ DO NỘI TÂM, 2007.
    Krishnamurti, TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG, 2004.
    Bernard Haring CSsR, TỰ DO VÀ TRUNG THÀNH TRONG ĐỨC KITÔ, tập 4, 2004.

Tác giả bài viết: Cao Nhất Huy

Trở lại Đầu trang

Góc thảo luận khác